
Kinh Yoga Của Patanjali - Thầy Sri Sri Ravi Shankar Bình Giảng
Sản phẩm đã bán hết



Kinh Yoga Của Patanjali - Thầy Sri Sri Ravi Shankar Bình Giảng
Sutra (trong tiếng Phạn) nghĩa đen là một sợi chỉ hay một sợi dây buộc chặt mọi thứ lại với nhau. Nó ẩn dụ cho những lời nói sâu sắc uyên thâm. Kinh Yoga của Patanjali là một bộ kinh gồm 196 câu được Maharishi Patanjali giảng dạy ngắn gọn nhưng súc tích về nghệ thuật và khoa học của Yoga và Thiền để thức ngộ bản thân.
Chỉ với một sợi dây, người ta có thể điều khiển con diều bay lượn trên độ cao đáng kinh ngạc. Kinh Yoga của Patanjali cũng giống như những sợi dây đó. Mỗi sợi là một công cụ, một nghệ thuật với đầy đủ kiến thức phong phú cho cuộc sống. Những lời kinh không chỉ giúp rèn luyện tâm trí, mà còn hướng dẫn con người phát huy hết tiềm năng của mình giữa lối sống thế kỷ 21.
Thầy Sri Sri Ravi Shankar là một nhà lãnh đạo tâm linh, một nhà nhân đạo, một đại sứ hòa bình và các giá trị nhân văn. Thông qua công việc và cuộc đời mình, thầy đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên toàn thế giới với tầm nhìn về một thế giới phi bạo lực, không phiền não. Thầy đã thiết kế nhiều chương trình, cung cấp cho chúng ta các công cụ, kỹ năng thực hành để có được cuộc sống sâu sắc hơn, tươi vui hơn. Thầy đã thành lập nhiều tổ chức phi lợi nhuận, công nhận bản sắc con người vượt qua khỏi ranh giới của giới tính, chủng tộc, quốc tịch và tôn giáo.
Lời bình giảng kinh Yoga của thầy Sri Sri Ravi Shankar đáng kính giúp chúng ta lĩnh hội được toàn bộ tinh túy kiến thức và mang lại cho chúng ta nhiều trải nghiệm về Yoga. Cuốn sách này sẽ là kim chỉ nam quý giá cho những ai đang khao khát biết được bản chất chân thật của chính mình, muốn trải nghiệm tinh túy của Yoga và muốn phát triển trên con đường tâm linh.
Dịch giả Kim Lang Lê đã viết ngay trang đầu tiên của cuốn sách như sau: “Trên hành trình phát triển đời sống tâm linh, đi tìm cội nguồn hạnh phúc đích thực của mình, tôi đã thực hành Thiền và Yoga được gần 20 năm và cũng đã đọc khá nhiều sách về Yoga, nhưng đến khi cầm cuốn sách này trên tay, tôi mới cảm thấy đây chính là những điều tôi đang tìm kiếm.
Khi đọc xong cuốn sách, trong tôi chợt vỡ òa. Mỗi chương sách đều đã thực sự chạm vào trái tim tôi. Những kiến thức trong sách giúp tôi hiểu mình trọn vẹn hơn, cảm thông với tha nhân sâu sắc hơn. Hóa ra Yoga không phải chỉ đơn giản như mình và mọi người vẫn nghĩ. Tôi cảm thấy hạnh phúc thật sự. Đó là niềm hạnh phúc của một người đã tìm thấy con đường “về nhà”. Từ những cảm nhận ấy, như có một cái gì đó thôi thúc trong tôi. Tôi muốn chia sẻ với tất cả mọi người những điều thầy Maharishi Patanjali dạy trong sách bởi vì chúng giúp ta không những trải nghiệm sâu hơn trong thực hành Yoga và Thiền, mà còn nhận thức thấu suốt hơn về bản thân, thoát khỏi những khổ đau, phiền muộn trong cuộc sống và tìm được con đường quay về nguồn cội, quay về con người chân thật của chính mình.
Tôi chân thành biết ơn thầy Sri Sri Ravi Shankar đã diễn giải bộ kinh này sang tiếng Anh. Nhờ diễn giải của thầy mà tôi có điều kiện thuận lợi dịch nó sang tiếng Việt và lan tỏa kiến thức này đến độc giả Việt Nam.
Tôi cũng xin trân trọng cảm ơn thầy Prakash – người đại diện cho tổ chức The Art of Living Vietnam, Lào, Campuchia vì đã giúp tôi tinh thông hơn trong quá trình dịch bản kinh này. Tôi cũng không quên cảm ơn các bạn tình nguyện viên Tường Linh, Trần Ngọc, Thảo Trần, Minh Ngọc, Đức Dũng, Thương Trần của nhóm Happiness Vũng Tàu – The Art of Living Vietnam đã tận tình giúp tôi hoàn thành bản dịch.
Từ tận đáy lòng, tôi kính chúc quý độc giả tìm được niềm vui và những bài học bổ ích từ cuốn sách này.”
MỤC LỤC:
Lời người dịch
Lời giới thiệu
Kỷ luật của Yoga
Tôn kính thực hành
Samadhi
Thượng Đế – Ngài là ai?
Vượt qua trở ngại
Tính ổn định trong samadhi.
Kriya Yoga và ba loại tapas
Bức màn đau khổ
Loại bỏ căn nguyên của đau khổ
Tám nhánh
Thông tin tham khảo
TRÍCH ĐOẠN SÁCH:
THƯỢNG ĐẾ – NGÀI LÀ AI?
Phó thác cho Thượng Đế, bạn có thể đạt đến trạng thái nở hoa của tâm thức. Vậy Thượng Đế là ai? Ngài ở đâu? Rất dễ để nói phó thác cho Chúa, nhưng Chúa là ai? Người ở đâu? Chưa ai từng thực sự thấy Chúa. Ai, cái gì đang cai quản thế giới này?
Bạn sẽ nhận ra chính tình yêu chi phối con người và vạn vật. Tình yêu là trung tâm cốt lõi của sự tồn tại. Nó chi phối cả vũ trụ này. Cũng giống như mặt trời là trung tâm chi phối toàn bộ các hành tinh trong hệ mặt trời, tình yêu là cốt lõi của sự sống trong bạn. Tình yêu không chỉ ở cơ thể, suy nghĩ và cảm xúc đang thay đổi trong bạn. Nó chính là trung tâm, cốt lõi tồn tại của bạn. Nó tinh tế và nhạy cảm. Nó có thể được gọi là tình yêu hay bất cứ một cái tên nào khác. Tâm thức đó, cốt lõi của sự tồn tại đó chịu trách nhiệm cho toàn bộ các tạo vật trên cõi đời này. Quyền năng là ở đó. Một con chim mớm mồi cho con vì tình yêu. Một bông hoa nở vì tình yêu. Đàn vịt ấp trứng vì tình yêu. Bò chăm sóc con cũng vì tình yêu. Các chú mèo con được mẹ chăm sóc cũng do tình yêu của mẹ. Bạn có bao giờ thấy khỉ mẹ chăm sóc con như thế nào chưa? Tình yêu là thứ đã được định sẵn bởi tạo hóa. Đó là cách vũ trụ vận hành.
Đó là lý do tại sao Chúa Jesus đã nói: “Tình yêu là Chúa. Chúa là tình yêu”. Chúa và tình yêu có cùng ý nghĩa như nhau.
Patanjali đã phân tích điều này rất hay trong những câu kinh tiếp theo. Trạng thái tâm thức là gì? Thượng Đế là ai? Tâm thức đó được thoát khỏi mọi khổ đau, chịu đựng. Khổ đau là gì?
Klesha karma vipaaka aashaya aparamrishtah purusha vishesha eewarah.
Bản kinh này chỉ cho ta thấy cốt lõi của tâm thức khi thoát khỏi khổ đau. Có năm loại khổ đau:
Loại thứ nhất là vô minh, avidya. Khi tâm thức bị vô minh chiếm chỗ, thì bạn luôn thấy bồn chồn, lo lắng.
Bạn cảm thấy đau khổ và thiếu vắng hạnh phúc. Cuộc sống đau khổ là bởi vô minh. Vô minh là quan trọng hóa một vấn đề mà thực chất nó không đáng được xem là quan trọng. Là cho rằng điều gì đó là bất biến trong khi nó đang thay đổi. Là tưởng tượng một điều gì đó mang lại niềm vui nhưng thực tế thì không phải vậy. Là cho rằng thứ gì đó là thuần khiết trong khi nó không thuần khiết chút nào. Có ai đó nói với bạn một điều không dễ chịu. Đó chỉ là những lời thoát ra cửa miệng họ rồi tan biến. Nhưng bạn cứ nghiền ngẫm mãi những lời họ nói. Đó chính là vô minh. Những lời phê bình của người nào đó về bạn chỉ là một làn sóng tư duy hay năng lượng thoáng qua. Nó đến rồi lại đi. Có thể sau này người đó không còn nghĩ thế nữa, nhưng bạn vẫn cứ giữ mãi ý kiến đó trong đầu như là một định kiến của họ về bạn. Đây là một ví dụ về vô minh. Do đó, tâm thức cần phải loại bỏ vô minh để thoát khỏi khổ đau.
Asmita nghĩa là “Tôi”. Cái cảm giác “là tôi, Tôi” là nguyên nhân thứ hai dẫn đến đau khổ. Đó là lý do tại sao chúng ta có bài thực hành thiền Trống và Rỗng1 , trong đó sẽ không còn cái “Tôi” nữa. Bạn tồn tại như thể bạn không có ở đó. Bạn tồn tại như một bông hoa, như một đám mây. Bạn tồn tại như không gian – tự do, trống và rỗng chứ không phải là một người nào đó. Asmita là cảm giác người ta nghĩ gì về bạn, bạn muốn gì từ họ, làm thế nào bạn có thể tận dụng được lợi thế của họ dù cho họ có nghĩ bạn tốt hay xấu. Điều này mang lại đau khổ. Còn lại, không thứ gì khác có thể khiến bạn đau khổ. Ý tưởng của bạn về “Tôi” không phải là một với bản thể, tôi có bản sắc riêng – tôi khác với mọi người, hoặc là có một cảm giác tự tôn hay mặc cảm tự ti nào đó sẽ làm cho bạn đau khổ. Thực tế, tất cả những người cho rằng họ thông minh tài giỏi và những người khác là ngu dốt thì sâu thẳm bên trong, họ đều biết rằng mình là người ngu dốt hơn cả. Để tránh nghĩ về sự ngu dốt của mình, họ cho rằng những người khác đều điên rồ và ngu muội. Asmita này làm cho bạn chết dần chết mòn, và nó chính là một trong những nguyên nhân làm cho bạn đau khổ.