
Những Khúc Hát Thương Nhau



Những Khúc Hát Thương Nhau
Cuốn sách bắt đầu bằng một bài thơ của Đỗ Nhật Nam, một lời giới thiệu không thể dễ thương và đáng yêu hơn được. Chỉ Nam mới có thể hiểu về bố mẹ và viết nên những lời giới thiệu giản dị, ấm áp nhưng sâu sắc đến như vậy.
Những khúc hát thương nhaulà tập hợp những bài viết chia sẻ về cách nuôi dạy Nam của anh Đỗ Xuân Thảo và chị Phan Thị Hồ Điệp. Bao trùm cuốn sách là tình cảm bố con, mẹ con ấm áp và những chia sẻ chân thật nhưng không kém phần hữu ích về cách nuôi dạy con.
Qua từng bài viết, bạn có thể dễ dàng nhận ra cách anh chị Thảo Điệp khéo léo phân công nhiệm vụ nuôi dạy Nam. Mẹ quan tâm đến ăn uống, học hành, bố quan tâm đến bản lĩnh, tính cách… Bố Thảo có kể lại: “Từ lúc Đầu đinh còn nhỏ xíu, Áo vàng đã “huấn thị”: Các khoản dạy con thế nào cho ra dáng đàn ông, dạy quản lý tiền nong, dạy bản lĩnh và lòng dũng cảm... là thuộc về anh đấy nhé.”
Với chị Điệp, có thể nói, chị Điệp coi làm mẹ như một nghề của mình và dành hết tâm huyết cho nó. Chị đã nuôi dạy Nam bằng bản lĩnh, ý chí sự thông minh cùng với rất nhiều kiên nhẫn và yêu thương. Khi nói về phương pháp mình lựa chọn để nuôi dạy con giữa muôn vàn phương pháp đang phổ biến hiện nay, chị Điệp cũng thật thà chia sẻ là chị cảm thấy hoang mang. Sau cùng chị quyết định tự dọn dẹp lại chính bản thân mình. “Dọn dẹp” theo mẹ Điệp nghĩa là, để bản thân là tự tĩnh tâm, tự vui với những gì hai mẹ con làm được, dù chỉ là một xíu xiu .“Dọn dẹp” bản thân nghĩa là học phương pháp nào đó chỉ theo TINH THẦN của phương pháp ấy. Không nhất thiết phải máy móc làm theo những điều mà bản thân còn thấy lơ mơ. Cứ thế, “buông bỏ” bớt những điều lo lắng, băn khoăn và làm những gì mình thấy thoải mái, tự nhiên. Ngòai ra thông điệp chị Điệp muốn truyền tải khi nuôi dạy con là luôn kiên nhẫn “từng bước nhỏ một”, thực hiện theo đúng thời gian biểu, giúp con tìm thấy sự hứng thú trong mọi công việc “có chủ đích”. Thông qua những bài viết ngắn gọn nhưng thiết thực, bạn sẽ học được rất nhiều kinh nghiệm làm mẹ để áp dụng cho đứa con bé bỏng của mình.
Với anh Thảo, bạn sẽ thấy những câu chuyện ấy đầy ấm áp và nhưng không kém phần triết lý của người bố trong gia đình, “Trong nhà mình, mình thích hai thứ “cùng nhau”. Ấy là “lớn lên cùng nhau” với con và “già đi cùng nhau” với vợ. Mình tin rằng, chỉ khi “cùng nhau” như thế người ta mới giác ngộ về những gì cần buông bỏ để thực sự “vì nhau”, thực sự “thương nhau”. Thương cao và sâu hơn yêu. Thương là lắng nghe, là chia sẻ, là chịu đựng, là đồng hành. Và mình muốn làm điều đó với con. - Khoa học cũng kết luận rằng, đứa bé thường cảm nhận âm thanh của cha tốt hơn âm thanh mẹ. Vậy thì hà cớ gì người cha không tận dụng ưu thế đó. Không ru được thì hát, thì ngâm thơ, thì kể chuyện... có sao đâu.”
Đối với bố Thảo “học” không chỉ là ngồi vào bàn, “học” là sự dịch chuyển, trải nghiệm. Trải nghiệm để biết cuộc đời nhiều mưa nắng, lắm tai ương, đầy thử thách nhưng cũng không kém phần thi vị. Trải nghiệm để biết cảm thông sẻ chia, biết thấm thía vẻ đẹp trong những điều tưởng như rất đỗi bình dị. Và khi ấy, con được lớn lên, ít nhất là trong tâm hồn.
Khi có con, anh Thảo cũng chia sẻ cách để được nghe con nói, được nghe con kể, được nghe con giãi bày về những tưởng tượng, những ước mơ của nó, mình như được sống lại chính mình của mấy chục năm về trước. Và từ đó những câu chuyện tâm sự của hai người đàn ông được bắt đầu. Những câu chuyện ấy, mang những bài học mà nó đi theo Nam suốt cả cuộc đời.
Vẻn vẹn trong hơn 200 trang sách từng mẩu chuyện nhỏ cứ thế vụt qua, từ quá khứ đến hiện tại, từ những câu chuyện khi Nam còn bé tí đến những chia sẻ khi cu cậu đã lớn và bước chân sang Mĩ du học. Trong cuốn sách dòng cảm xúc cứ thay đổi liên tục từ yêu thương đến giận hờn, từ nhung nhớ đến đau đáu hy vọng... Nhưng có một thứ luôn xuyên suốt không vắng mặt đó là tình yêu, tình cảm vợ chồng, cha con, mẹ con gắn bó máu thịt. Chị Điệp cũng chia sẻ, cuốn sách là xen kẽ giữa kiểu viết văn tùy hứng của bản thân và kiểu viết cặm cụi, vắt từng con chữ của anh Thảo. Nhưng với người đọc, nếu bạn đọc xong hơn 200 trang sách nhỏ nhắn, in màu sống động bạn sẽ cảm nhận được một chỉnh thể hòa quyện, yêu thương, một gia đình vẹn tròn êm ấm mà hiếm ai có được trong đời.
Giới thiệu tác giả:
ĐỖ XUÂN THẢO
14 tuổi, tôi xa nhà xuống Nam Định để học trường chuyên. Cuộc sống bôn ba từ đó. Năm 21 tuổi, tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi được giữ lại làm giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học. Năm 33 tuổi, tôi bảo vệ Luận án Tiến sỹ Giáo dục học và được phong học hàm Phó giáo sư năm 43 tuổi. Những năm tháng xa nhà, xa quê, đã từng nhiều năm giảng dậy tại Campuchia, Nhật Bản, tôi càng thấy trân quý, nâng niu những gì mình gắng gỏi tích lũy được, càng thêm tin con người và cuộc sống. Tôi viết như một cách để tri ân với cuộc đời nhiều sóng gió của mình, viết để thấy “hoa vàng trên cỏ xanh”, viết để thấy mình gần gụi với mọi người, đặc biệt là với “nhân tình” bé nhỏ mà tôi gọi là Con trai.
PHAN THỊ HỒ ĐIỆP
Mình thuộc cung Cự giải, là biểu tượng của Nước. Trong chiêm tinh, Nước luôn là nguyên tố của sự bí ẩn và “mọi giọt nước đều chảy về biển”. Có lẽ vì thế nên mình luôn coi trọng nguồn cọi, coi trọng những giá trị của yêu thương. Mình yêu gia đình nhỏ ấm áp. Mình yêu những người bạn đã gặp hoặc chưa từng gặp trong đời. Mình yêu lũ học trò nghịch ngợm của mình. Mình yêu cỏ cây hoa lá bình an bên đời. Tất cả những tin yêu đó làm nên một cung Nước tròn trịa.
Nếu cuộc đời cho làm lại một lần nữa, mình mong vẫn là dòng nước mỏng manh, hiền hòa khiêm nhường chảy trôi trong biển đời vô tận…
Xem trước nội dung:
Đoạn trích 1: Lời... mẹ phê
Hôm rồi một em học sinh cũ nhắn tin cho mình hỏi, cô ơi, em Nam học bang nào? Em cũng đang học ở Mỹ, khi nào có dịp em sẽ ghé qua thăm Nam.
Mình nói, vậy thì quý quá em à. Ờ mà em học cô khóa nào, lâu chưa vậy? Em trả lời: Cô ơi, em học cô gần hai mươi năm rồi. Điều em nhớ nhất ở cô là gì cô biết không. Là học bạ cô viết cho em. Cô nhận xét tỉ mỉ về việc học, trong đó có câu: Cô tin chắc em có khả năng tiến xa trên con đường học vấn... Cô ơi, mẹ em đã photo lời phê đó và giữ lại trang học bạ. Mẹ làm vậy như một sự khích lệ em cô à. Nên em rất nhớ cô...
Rồi mình ngồi bần thần...
Hồi đó, mình còn trẻ lắm, cũng chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm dạy học. Thực ra mình làm những điều đó bằng cảm tính. Nhưng mình luôn tin, những “lời phê” của giáo viên có tác động rất nhiều đến học sinh.
Mình hay nghĩ ngợi trước những bài cô giáo phê “Tạm được”. Thế nào là “Tạm được”? Đọc xong mình cảm thấy, nếu ít có chí tiến thủ đứa trẻ sẽ tặc lưỡi cho bài kiểm tra vào ngăn bàn và quên ngay, khỏi cần phải nghĩ ngợi.
Mình hay buồn trước những lời phê chỉ vẻn vẹn một từ: “Ẩu”, “Kém” hoặc “Lạc đề”.
Nhưng mình rất vui trước những lời phê như: Con có ý tưởng sáng tạo; Cô tìm được sự đồng cảm trong bài làm của con; Bài viết của con khiến cô có thêm niềm vui cho nghề dạy học...
Mình cũng rất biết ơn nếu là những lời phê tuy chê nhưng vẫn “mở đường”: Con nên suy nghĩ kĩ hơn nữa... Con cần thận trọng hơn... Cô nghĩ là con sẽ cố gắng hơn ở những lần sau...
Tuy nhiên, mình cũng rất thông cảm với công việc của các thầy cô giáo. Lớp học đông, quá nhiều áp lực, quá nhiều gánh nặng, thầy cô xoay như chong chóng...
Vậy nên, lúc ở nhà, mình hay “chơi trò”: Mẹ nhận xét những bài Nam tự làm. “Công thức” cho những lời nhận xét của mình là:
Nhận xét về quá trình làm bài của con + Nhận xét về cách trình bày + Nhận xét về nội dung + Những điểm tiến bộ của con so với bài trước + Cảm nghĩ của mẹ.
“Gia vị” cho những lời nhận xét có thể là: Một chút bông đùa + một chút cằn nhằn + một chút có vẻ “ghen tị” vì con làm được mà mẹ thì không + rất nhiều tin tưởng, hy vọng.
Và thế là sẽ có được những “Lời nhận xét” kiểu như:
“Hôm nay em làm bài tập trung hơn, ngay cả khi bị muỗi đốt. Em trình bày bài khiến mẹ tưởng như loài người có thêm một hệ chữ khác mới ra đời vì khó đọc quá. Tuy vậy, đọc xong mẹ vẫn thấy được những điều mới mẻ, thú vị ở các chi tiết sau... Nên mẹ rất cảm ơn em. Thực ra, hồi bằng tuổi em, mẹ chưa có được sự sâu sắc như vậy. Mẹ tin nếu lần sau em trình bày đẹp hơn thì đó sẽ là những bài làm rất đáng tự hào của cả em v&am