
Phương Thuốc Chánh Niệm Mầu Nhiệm



Phương Thuốc Chánh Niệm Mầu Nhiệm
Sồi sống nhiều năm tại Tu viện Lộc Uyển, nơi có vô số cổ thụ thuộc họ Sồi. Có những cây thân uốn cong, xòe cành như các vũ công. Có những cây thân vươn lên thẳng tắp trước khi dang rộng những vòng tay khổng lồ.
Nơi nào có sồi là có đá, những hòn đá lớn bé đủ cỡ và những tảng đá khổng lồ. Theo thời gian, cây sồi đã mọc trùm lên đá với rễ luồn sâu vào lòng đá. Đá là một phần của sồi và ngược lại, sồi là một phần của đá. Khi nhìn thấy một cây sồi tróc gốc, bạn sẽ nhận ra rễ cây sồi đan quyện chi chít vào đá từ trong gốc. Sồi và đá tuy là hai nhưng đã trở thành một. Chúng hỗ trợ, nâng đỡ nhau. Tảng đá cung ứng các loại muối khoáng cho cây và cây cao kia bắt rễ sâu trong lòng đất đá. Liên hệ giữa sồi và đá cho tôi rất nhiều cảm hứng và tôi tin rằng trong tình yêu chân thật, chúng ta cũng lớn lên và nương tựa vào nhau như vậy, không còn sự phân biệt giữa tôi và bạn. Dù rằng sồi và đá vẫn có các đặc tính riêng, chúng sống bên nhau, hỗ tương và hòa đồng. Sồi là sồi nhờ có đá, đá là đá nhờ có sồi.
Là những người cùng đi trên con đường tâm linh, chúng tôi học sống với tình thương mến nhau, học chuyển hóa và chữa lành các vết thương theo tinh thần của sồi và đá. Hạnh phúc và đau khổ của người kia cũng là hạnh phúc và đau khổ của tôi. Chăm sóc tôi cũng là chăm sóc người.
Ít có sách nào nói về một tình yêu cho chính bản thân mình. Tất cả chúng ta ai cũng muốn thương yêu và được thương yêu, nhưng hầu như tất cả chúng ta đều hướng tình thương ra ngoài, tập trung vào một đối tượng nào đó ở ngoài mình. Hướng ngoại như vậy, ta quên đi chính ta. Trong tình yêu ta nghĩ tới hai người: ta và người yêu của ta. Điều này khiến ta muốn giành lấy, ghì lấy người kia làm sở hữu như đó là một thứ áo giáp giúp ta sinh tồn hay làm vững chắc bản ngã của mình.
Những trải nghiệm trong cuộc đời của tôi đã dạy cho tôi hiểu rằng yêu thương, trước hết và quan trọng hơn hết, là phải quay vào bên trong để yêu thương ngay chính mình.
Lớn lên tôi đã tin rằng khi tôi thành danh, có sự nghiệp và gặp được người tâm đầu ý hợp thì cuộc đời tôi xem như được trọn vẹn. Mọi mất mát và những tai nạn bi thương của tuổi thơ sẽ được đền bù.
Tôi đã đạt được tất cả những mơ ước đó của mình. Tôi học y khoa, ra trường và có địa vị cao trong xã hội. Tôi có tuổi trẻ, có sự thu hút và được nhiều người theo đuổi. Tôi đã có một mối tình thật đẹp. Anh bạn tôi yêu tôi vô cùng. Nhưng oái ăm thay! Tôi vẫn thường quay lưng lại với anh mỗi khi những ám ảnh của quá khứ trồi lên trong tâm thức. Tôi bầu bạn và nắm giữ những nỗi khổ niềm đau thay vì trân quý những hạnh phúc đang có mặt. Tôi tìm kiếm tình yêu ở ngoài mình và hầu như chưa bao giờ cảm thấy thỏa đáng. Dù cho Bụt có hiện ra lúc đó và thương yêu tôi, có lẽ tôi cũng vẫn bỏ đi vì tôi không hề biết yêu chính mình!
Trong sách “Phương thuốc chánh niệm mầu nhiệm” tôi xin chia sẻ với các bạn độc giả những mẩu chuyện về chính cuộc đời của tôi và cách áp dụng sáu yếu tố của tình thương đích thực để tôi có thể trở thành tri kỷ của chính tôi và cho người khác. Tôi cũng xin trình bày sáu yếu tố thương yêu theo trình tự sau đây: 1. Tương tức; 2. Tình bạn; 3. Niềm vui; 4. Niềm tin; 5. Sự tôn trọng; 6. Sự chữa lành.
Tôi chọn bắt đầu với yếu tố tương tức vì tôi thiết nghĩ rằng chánh kiến có khả năng quyết đoán mọi hành động của thân-khẩu-ý, cũng như trong Bát chánh đạo, Bụt cũng đã bắt đầu với chánh kiến. Một khi chúng ta có chánh kiến, tất cả các yếu tố khác của tình thương đích thực cũng sẽ được nhìn qua lăng kính này. Khổ đau được kết tụ từ vô minh, biểu hiện qua cái nhìn và suy nghĩ méo mó của tà kiến và tà tư duy. Với chánh kiến về tương tức, sự chữa lành và các yếu tố khác của tình thương đích thực sẽ được biểu hiện một cách tự nhiên.
Khi hai người thương nhau, họ thường cầu mong được “đầu bạc răng long”. Đây là ước mơ được chung sống với nhau cho đến tuổi già, tóc bạc và răng rụng, không màng sự xinh đẹp, hào nhoáng của ngày xưa. Nó cũng bao hàm ý nghĩa là chúng ta cần phải học chăm sóc những cái răng của mình cũng như các phần còn lại của hình hài, sức khỏe tinh thần cũng như thể chất, để chúng ta không bỏ người kia chơ vơ ở tuổi xế chiều. Đó cũng là cam kết cùng nhau đối phó với nghịch cảnh, vun trồng hạnh phúc để có thể sánh vai đi trọn con đường.
Nuôi dưỡng Lục vô lượng tâm trong tự thân là sự thực tập cụ thể nhất để có thể thỏa mãn nhu yếu thương yêu trong chính ta và cùng lúc giúp ta hiểu, thương, sống hòa hợp với những người ta nguyện thương yêu, với mọi người và mọi loài.
Tôi đã học được từ Thầy của tôi rằng mỗi giây phút sống sâu sắc là một mối tình thiên thu. Tôi ao ước được chia sẻ với các bạn những giây phút hồn nhiên, sống động ấy và qua đó, bạn cũng sẽ hiểu hơn về đời sống tu học của quý thầy, quý sư cô và của các bạn thiền sinh Tây phương thuộc truyền thống Làng Mai.
Phương thuốc chánh niệm nhiệm màu
MỤC LỤC
CHƯƠNG MỘT. Tương tức
Hạt đậu âm dương
CHƯƠNG HAI. Tình huynh đệ
CHƯƠNG BA. Niềm vui và hạnh phúc
Ly sinh hỷ lạc – buông bỏ
Niệm sinh hỷ lạc
Định sinh hỷ lạc
Tuệ sinh hỷ lạc
CHƯƠNG BỐN. Niềm tin
CHƯƠNG NĂM. Tôn trọng và kính ngưỡng
CHƯƠNG SÁU. Chữa lành
Chữa lành bệnh tật
ĐOẠN KẾT
TRÍCH ĐOẠN SÁCH:
HẠT ĐẬU ÂM DƯƠNG
Vào ngày sinh nhật thứ 40 của tôi, người bạn xưa gửi tặng tôi vài hạt đậu âm dương. Hạt đậu hình bầu dục giống như các hạt đậu khác nhưng có một đường cong chạy dọc ngay chính giữa, chia hạt đậu làm hai phần: nửa trắng có một chấm đen, và nửa đen lại có một chấm trắng. Vì trong trắng có đen và trong đen có trắng nên tôi thường gọi đùa hạt đậu này là tương đậu. Bạn tôi mua những hạt đậu âm dương đó trên mạng Internet.
Những hạt tương đậu này đã trở thành pháp khí giúp tôi giải thích về giáo lý tương tức mà Bụt từng giảng dạy. Có thể danh từ tương tức có vẻ lý thuyết hay huyền bí. Nhưng hạt đậu âm dương cho ta thấy rất rõ: Cái này có trong cái kia, và cái kia có trong cái này. Đó chính là ý nghĩa của tương tức, là một công án để quán chiếu miên mật. Khi tôi mặc chiếc áo tràng nâu của người tu mà nghĩ rằng: “Khổ đau và hạnh phúc là của riêng tôi, không dính dáng gì đến ai khác” thì lúc đó tôi không thể hiện được tuệ giác của tương tức hay tương đậu! Trong bốn năm đầu sau khi xuất gia, tôi đã được sống tại Làng Mai, Pháp gần Thầy của tôi. Sau đó, tôi về tu học tại các tu viện Làng Mai ở Hoa Kỳ nhiều năm nhưng hàng ngày tôi thực tập hơi thở chánh niệm và thiền hành để thấy được Thầy trong tôi. Dần dần tôi nhận ra rằng cốt tủy của Thầy chính là hơi thở chánh niệm và bước chân chánh niệm.
Năm 2013, tôi được theo Thầy trong chuyến hành đạo tại Bắc Mỹ. Hôm đó Thầy đang nằm trên võng và tôi quỳ xuống cạnh bên, nhẹ nhàng đưa võng. Da mặt Thầy sáng láng như người trẻ, cặp mắt Thầy tinh anh, thánh thiện. Tôi đã xin Thầy viết cho tôi một thư pháp: “Tình thương đích thực bắt đầu với hình hài của chính mình”. Thầy hỏi: “Con có chắc không?” Tôi nhìn vào mắt Người và trả lời: “Dạ, đó là điều con đã thực tập từ khi con bị bệnh nặng”. Tôi đã có thể nhìn thẳng vào khuôn mặt uy nghiêm của Thầy vì tôi đã học được cách nhìn sâu vào tâm tư tôi, trực diện và chấp nhận những ý tưởng điên rồ, dối trá, ngoắc ngoéo trong tôi. Thầy nhìn tôi dịu dàng rồi nói: “Người ta thường hay phân biệt thân với tâm nhưng thực ra chúng không hề có sự khác biệt”.